Hành quyết tù binh chiến tranh Sicherheitsdienst

Đối với hàng triệu tù binh chiến tranh, việc sử dụng họ làm công nhân nhà máy hoặc làm khổ sai chiến trường là nỗi lo lắng nhẹ nhất. Điều quan trọng nhất đối với họ là sống sót cho đến sau chiến tranh. Nếu họ là người Nga thì cơ may rất ít. Số tù binh người Nga là khoảng 3,8 triệu trong tổng số tù binh khoảng 5,75 triệu người. Khi Đồng minh giải thoát các trại tù binh vào năm 1945, chỉ còn khoảng một triệu người còn sống. Khoảng một triệu người được thả tự do hoặc được phép làm việc trong những đơn vị tập thể cho Quân đội Đức thành lập. Hai triệu người Nga chết trong các trại tù binh của Đức – do đói khát, giá lạnh và bệnh tật. Người ta không bao giờ biết gần hai triệu người Nga còn lại sống chết ra sao, và tại Tòa án Nürnberg có ý kiến cho rằng phần lớn đã chết vì những lý do nêu trên hoặc bị lực lượng SD hành quyết.

Otto Ohkendorf, một trong những tên sát nhân khét tiếng nhất của SD tiết lộ trong một bản cung khai:

Mọi người Do Thái và quan chức của Liên Xô bị mang ra khỏi trại tù binh và bị hành quyết. Theo tôi được biết, hành động này được thực hiện khắp cả chiến dịch Liên Xô.

Đôi lúc phi công bị bắt được chuyển cho binh sĩ SD cho việc mà đặc ngữ Quốc xã gọi là "đối xử đặc biệt." Khoảng 47 phi công Mỹ, Anh và Hà Lan, đều là sĩ quan, bị hành quyết một cách tàn nhẫn tại trại tập trung Mauthausen vào tháng 9 năm 1944. Một nhân chứng, người Pháp Maurice Lampe bị giam giữ trong trại, mô tả trước Tòa án Nürnberg:

Bốn mươi bảy sĩ quan đi chân đất bị dẫn đến mỏ đá... Ở bậc thang dưới cùng, lính gác chất đá lên lưng họ và họ phải mang lên phía trên. Trong chuyến đầu họ mang đá nặng khoảng 30 kí-lô và bị đánh đập... Trong chuyến thứ hai, đá nặng hơn, và người nào gục xuống dưới sức nặng đều bị lính canh đá và đánh bằng dùi cui... đến tối hai mươi mốt tử thi nằm la liệt dọc con đường. Hai mưoi sáu người khác chết vào sáng hôm sau.

Đấy là cách thức "hành quyết" thông thường tại Mauthausen và được áp dụng cho nhiều tù binh Nga cũng như một số người khác.

Khoảng mười lăm người của nhóm đặc mệnh quân sự Anh-Mỹ – kể cả một phóng viên chiến tranh của hãng thông tấn Associated Press – tất cả đều mặc quân phục, nhảy dù xuống Slovakia vào tháng 1/1945. Họ bị hành quyết ở trại tập trung Mauthausen theo lệnh của TS. Ernst Kaltenbrunner, người kế nhiệm Heydrich đứng đầu lực lượng SD và bị tòa án quân sự của Mỹ xử tử hình. Nếu không nhờ lời khai của một phụ tá chỉ huy đã chứng kiến vụ hành quyết, vụ việc đã không được đưa ra ánh sáng.